Giới thiệu Khoa - Trung tâm
1. Lịch sử hình thành và phát triển
Căn cứ Thông tư 18/2009/TT-BYT về Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn được thành lập năm 2011. Sau khi kiện toàn và bổ sung nhân lực, từ năm 2014, Khoa chính thức tiếp quản các hoạt động thuộc lĩnh vực chuyên môn vốn được các bộ phận khác của Bệnh viện đảm trách. Từ việc chỉ có 01 Trưởng khoa kiêm nhiệm khi mới thành lập, tới giữa năm 2014 khoa có 5 cán bộ nhân viên và tới thời điểm hiện tại khoa đã có 13 nhân lực và phụ trách hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn một cách toàn diện. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là Khoa lâm sàng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc, Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn và sự phối hợp chặt chẽ của các phòng ban chức năng và trung tâm/khoa chuyên môn. Sự tiến bộ của Khoa do đó không chỉ là những nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ cán bộ, nhân viên trong đơn vị mà còn là sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo, sự hợp tác của tất cả các đơn vị và nhân viên trong Bệnh viện.
2. Tổ chức nhân sự
Lãnh đạo tiền nhiệm:
Trưởng khoa
TS. Trương Quang Trung
Lãnh đạo đương nhiệm:
Trưởng khoa TS. Bùi Vũ Bình |
Điều dưỡng trưởng ThS. Hoàng Thị Vân Anh |
Nhân sự: 14 người gồm: 01 Tiến sĩ; 02 Thạc sĩ; 03 Cử nhân (điều dưỡng - vi sinh); 02 Kỹ sư; 05 Cao đẳng (điều dưỡng, dược và kỹ thuật) & 01 KTV trung cấp.
04 nhóm làm việc: Tổ cung ứng đồ vải; Tổ khử khuẩn – Tiệt khuẩn; Tổ giám sát; Tổ QL chất thải y tế và vệ sinh môi trường.
3. Chức năng nhiệm vụ
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là Khoa lâm sàng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chính sau:
- Xây dựng kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn định kỳ và hàng năm.
- Đầu mối xây dựng các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở các quy định, hướng dẫn chung của Bộ Y tế.
- Đầu mối phối hợp với các khoa, phòng liên quan giám sát công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động, giảng viên, sinh viên, người bệnh, người nhà người bệnh và các đối tượng khác thực hiện đúng quy định kiểm soát nhiễm khuẩn trong công tác khám, chữa bệnh.
- Tuyên truyền, huấn luyện, thực hiện nghiên cứu khoa học về kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Quản lý, giám sát các hoạt động khử khuẩn, tiệt khuẩn, giặt là, cung cấp dụng cụ vô khuẩn, hoá chất sát khuẩn, khử khuẩn, đồ vải và vật tư tiêu hao phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Theo dõi, đánh giá, báo cáo phơi nhiễm và tai nạn rủi ro nghề nghiệp liên quan đến tác nhân vi sinh vật của thầy thuốc, nhân viên y tế.
- Tham gia cùng Khoa xét nghiệm, Khoa dược và các Khoa lâm sàng theo dõi vi khuẩn kháng thuốc và sử dụng kháng sinh hợp lý.
- Phối hợp với các khoa, phòng, các thành viên mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn phát hiện, giải quyết các vấn đề liên quan tới công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
4. Tóm tắt thành tựu
Là một Khoa mới thành lập nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ nhân viên nên sau hơn 5 năm hoạt động và phát triển Khoa đã đạt được một số bước tiến quan trọng. Trong hơn hai năm đầu thành lập, phần lớn hoạt động của Khoa là hoạt động chuẩn bị, các hoạt động thực sự được đảm trách bởi các đơn vị khác: phần hậu cần do phòng VTTB-QT và phần chuyên môn do phòng KHTH thực hiện. Kể từ giữa năm 2014, với việc chính thức tăng cường nhân lực, các mảng hoạt động quản lý đồ vải, quản lý chất thải y tế và tiệt khuẩn dụng cụ chính thức được Khoa đảm nhiệm, theo sau đó là các chuẩn bị cho hoạt động lập kế hoạch và giám sát. Với 01 Trưởng khoa và 04 nhân viên, trong nửa cuối năm 2014, với sự hỗ trợ lớn từ nhiều đơn vị trong đó đặc biệt là từ phòng VTTB-QT các mảng việc mới được chuyển giao đã được hoàn thành một cách suôn sẻ. Từ năm 2015 đến nay, với việc được liên tục tăng cường về nhân sự, Khoa đã trở nên ngày càng chủ động hơn trong mọi hoạt động được giao.
Công tác cung ứng đồ vải: Đảm bảo cung ứng đồ vải phục vụ người bệnh; phục vụ phẫu thuật – thủ thuật và phục vụ nhân viên. Trong năm 2016 đã cung ứng đồ vải sạch 35.600 chiếc áo – váy blouse; 10.784 chiếc quần blouse; 48.348,5 kg ga giường các loại; 6.597 kg khăn lau tay sạch; 11.088 kg đồ vải thông thường cho người bệnh (quần áo; vỏ chăn..); 92.729,37 kg đồ vải phẫu thuật và 15.693 gói đồ vải phẫu thuật và hấp đồ vải phẫu thuật. Số lượng đồ vải cung ứng cho hoạt động Bệnh viện tăng 15 – 20% hàng năm. Hiện nay công tác dự trù, mua sắm và giặt là đồ vải được cung ứng một cách chuyên nghiệp hơn, với chất lượng cao.
Công suất phục vụ của đơn vị tiệt khuẩn dụng cụ đă tăng lên trên 200% trong hai năm gần đây, với chất lượng cao. Hiện tại, Khoa được trang bị 02 Máy hấp nhiệt độ thấp (Sterrad 100S & Sterrad 10NX) tiệt khuẩn thiết bị - dụng cụ y tế không chịu nhiệt và chịu nhiệt; 02 lò hấp hấp ướt (Tournauer loại SA500, HL 250) tiệt khuẩn thiết bị - dụng cụ y tế chịu nhiệt. Hàng ngày, Khoa vận hành 12 chu kỳ với máy hấp ướt và 6 chu kỳ với máy hấp nhiệt độ thấp. Trung bình hàng ngày xử lý 300 gói dụng cụ lớn nhỏ và 100 - 150 thiết bị - dụng cụ cần hấp nhiệt độ thấp. Hiện tại, công tác quản lý vận hành các máy – lò hấp được thực hiện chặt chẽ với phần mềm giám sát do Khoa tự phát triển.
Công tác quản lý sinh vật gây hại như chuột, muỗi đã lần đầu tiên được thực hiện bài bản, thường xuyên mang lại sự yên tâm cho các đơn vị chuyên môn và giảm thiểu nhiều thiệt hại lớn cho con người và các trang thiết bị y tế đắt tiền. Hàng năm, Bệnh viện triển khai phun muỗi 03 lần cơ bản và 01 lần bổ sung; định kỳ xử lý các vấn đề liên quan đến chuột phá hoại và phòng ngừa xâm nhập của chuột.
Công tác vệ sinh Bệnh viện: Thuê đơn vị bên ngoài thực hiện liên quan đến vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh sàn nhà, bệnh phòng theo 04 ca làm việc với 52 nhân sự. Tổ chức công tác giám sát và đánh giá chất lượng do Khoa đảm nhiệm đã được hoàn thành tốt.
Công tác quản lý chất thải y tế cũng có những cải thiện mạnh mẽ, với sự nỗ lực của Khoa và các đơn vị liên quan, điều kiện vệ sinh môi trường tại Bệnh viện đã được cải thiện nhiều mặc dù cơ sở vật chất còn rất hạn chế, việc cải tạo và mở rộng Bệnh viện được diễn ra liên tục. Với các nỗ lực của Khoa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện đã trở thành một đơn vị được các đoàn kiểm tra, lãnh đạo ngành y tế ghi nhận là đơn vị điển hình trong giữ gìn và quản lý môi trường y tế.
Nơi chứa chất thải rắn y tế là khu nhà có mái che, ban đầu không đạt yêu cầu về thiết kế, tuy vậy cuối năm 2015, nhà chứa CTRYT đã được xây dựng lại cho phù hợp. Về căn bản, các hoạt động quản lý CTRYT đã tuân thủ tốt Thông tư liên tịch số 58/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015.
Trạm xử lý chất thải lỏng được phòng VTTB-QT vận hành. Khoa đã phối hợp với phòng VTTB-QT trong việc giám sát vận hành, bảo trì trang thiết bị, sửa chữa thay thế máy móc. Tiến hành quan trắc môi trường định kỳ 04 lần/năm và tiến hành đánh giá chất lượng nước sinh hoạt 01 lần/năm. Ngoài ra, Khoa đã đưa việc hút xả thải bùn lắng của hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện thành hoạt động thường quy, lượng bùn thải được hút bỏ đã làm tăng chất lượng xử lý nước thải.
Công tác giám sát ghi nhận những tiến bộ đáng kể, từ chỗ các hoạt động này chỉ được thực hiên một cách đơn lẻ, tự phát, thiếu bài bản và do nhiều đơn vị tự thực hiện, tới thời điểm này các hoạt động giám sát của Khoa đã được thực hiện với chất lượng cao. Kế hoạch giám sát và thống kê được phê duyệt hàng năm với các nội dung:
- Giám sát Khoa trọng điểm (Cấp cứu – HSTC; TT Tim mạch; GMHS-CĐ; Ngoại...);
- Giám sát 04 chu kỳ tiến hành toàn Bệnh viện;
- Giám sát quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và sự tuân thủ: rửa tay thường quy và ngoại khoa; thay băng và tiêm truyền;
- Giám sát ca nhiễm khuẩn Bệnh viện: nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn vết mổ...;
- Giám sát tình hình cấy vi sinh và mức độ kháng kháng sinh trong toàn Bệnh viện.
Ngoài ra, các công cụ giám sát hiện đã được tập hợp và số hoá, tất cả các số liệu giám sát được quản lý và giám sát trực tuyến. Với sự cải tiến này, Khoa đã tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc nhập và quản lý số liệu do đó dù không tăng nhiều về nhân sự, khối lượng giám sát hiện đã tăng lên nhiều lần. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập BV, tỷ lệ nhiễm khuẩn Bệnh viện được giám sát liên tục, các kết quả xét nghiệm vi sinh và kháng sinh đồ được giám sát chặt chẽ, các quy trình cơ bản được giám sát trên diện rộng.
Đào tạo, truyền thông – nghiên cứu khoa học liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn cũng có những bước chuyển mình quan trọng. Trong năm 2016 đã tổ chức 20 buổi giảng với các nội dung khác nhau về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên; học viên học việc và sinh viên chính quy của Trường; 04 seminar – thảo luận về hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn; hướng dẫn thành công nhiều khóa luận sinh viên. Cùng với các hoạt động mạnh mẽ trong đào tạo, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực đã được triển khai, trải rộng từ các khảo sát về kiến thức thái độ của nhân viên đến việc tuân thủ các thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và các khảo sát về tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Đến thời điểm hiện tại, trong 03 năm gần đây đã có 06 nghiên cứu được hoàn thành và nhiều nghiên cứu khác đang được triển khai nhằm hướng đến việc thực hành dựa vào bằng chứng trong lĩnh vực được giao.
5. Định hướng phát triển
Tăng cường phối hợp với các đơn vị trong Bệnh viện để tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo hướng chủ động và hiệu quả từ mọi cá nhân, tập thể trong Bệnh viện.
Kiện toàn tổ chức, phân công nhân lực của Khoa nhằm nâng cao hiệu suất công việc của các bộ phận hậu cần và chuyên môn của Khoa.
Tiếp tục kiện toàn các quy chế, quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn hướng đến việc tạo lập môi trường tốt để kiểm soát nhiễm khuẩn chủ động với chất lượng ngày càng cao.
Tăng cường các hoạt động cung ứng đồ vải, trang thiết bị vô khuẩn với chất lượng cao.
Tăng cường hoạt động giám sát về cả đầu mục, khối lượng và chất lượng với sự hoàn thiện hơn nữa của gói phần mềm giám sát.
Tăng cường truyền thông và đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn cho mọi đối tượng trong và ngoài Bệnh viện.
Tăng cường số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học để hoàn thiện bằng chứng cho thực hành một cách bài bản và khoa học.
Tiếp tục đề xuất để cải tạo mặt bằng, cơ sở vật chất của Khoa để nâng cao năng lực phục vụ của Khoa.