Phòng Điều dưỡng

1. Sơ lược quá trình hình thành

Phòng Điều dưỡng Bệnh viện được thành lập năm 19/9/2007 ngay khi Bệnh viện triển khai hoạt động. Đây là phòng chức năng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Bệnh viện về tổ chức, quản lý, điều hành và giám sát công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, tổ chức điều hành toàn bộ Điều dưỡng – Kỹ thuật viên và hoạt động chăm sóc người bệnh trong toàn Bệnh viện.

2. Tổ chức nhân sự

Phòng điều dưỡng: Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và 03 chuyên viên

Trưởng phòng

TS. Trương Quang Trung

 

Phó Trưởng phòng

ThS. Nguyễn Hữu Dự

Nhân lực Điều dưỡng – Kỹ thuật viên toàn Bệnh viện: 

Tính đến tháng 4/2017: Tổng số điều dưỡng KTV là 407, trong đó 2.21% SĐH, 39.56% ĐH, 19.9% CĐ, 37.1% TH, 1.23% TKYK.

Hệ thống Điều dưỡng trưởng – Kỹ thuật viên trưởng: 24.

Tổ tiếp đón chăm sóc khách hàng trực thuộc Phòng Điều dưỡng: 11.

3. Thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo quy chế Bệnh viện

4.  Một số hoạt động chính 

4.1 Mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện có chất lượng triển khai ở Khoa có bệnh nhân nội trú. Bảng mô tả công việc đối với các vị trí Điều dưỡng – Kỹ thuật viên ở các Khoa lâm sàng và cận lâm sàng được hoàn thiện và áp dụng. Bảng mô tả vị trí công việc này đang được điều chỉnh và sửa đổi. 30 quy trình chăm sóc điều dưỡng được hoàn thiện phù hợp với quy định của Bộ Y tế và Bệnh viện, được Giám đốc Bệnh viện phê duyệt và sử dụng trong kiểm tra thực hành – tay nghề của Điều dưỡng.

4.2 Công tác tiếp đón, chỉ dẫn và chăm sóc người bệnh ngoại trú ngày càng được hoàn thiện với hệ thống tiếp đón, chỉ dẫn, trực tổng đài, trả lời fanpage hàng ngày kể cả nghỉ lễ.

4.3 Bảng kiểm tra Công tác Điều dưỡng chung và theo đặc thù từng chuyên khoa/khoa, phòng được hoàn thiện và phê duyệt, làm cơ sở đánh giá chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh. Hồ sơ chăm sóc của Điều dưỡng và công tác ghi chép và thể thức được thống nhất ở tất cả các Khoa lâm sàng. Bộ hồ sơ điều dưỡng đang được nghiên cứu – điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại.

4.4 Công khai thuốc, vật tư tiêu hao sử dụng cho người bệnh được triển khai thường quy, tại tất cả các Khoa lâm sàng, tăng sự minh bạch và công khai trong y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân.

4.5 Tổ chức công việc giám sát thực hiện các quy chế chuyên môn liên quan đến chăm sóc và phục vụ người bệnh thường quy thực hiện dưới nhiều hình thức đảm bảo chặt chẽ đúng chế độ, chống nhầm lẫn, lãng phí. Tổ chức họp Điều dưỡng/Kỹ thuật viên trưởng các Khoa – đơn vị (15h thứ 3 hàng tuần) cùng với sự tham gia của  Phòng Vật tư thiết bị - quản trị, Khoa Dược rút kinh nghiệm những điểm chưa tốt trong công tác phục vụ người bệnh.

4.6 Đảm nhiệm công tác huấn luyện, đào tạo và phát triển chuyên môn bao gồm các Điều dưỡng – Kỹ thuật viên trong Bệnh viện. Hàng năm tổ chức 6 – 10 lớp tập huấn đào tạo thường quy liên quan đến lĩnh vực chăm sóc người bệnh, phân loại rác thải, giao tiếp người bệnh.

4.7 Tham gia điều động Điều dưỡng – Kỹ thuật viên ở các Khoa, đặc biệt những thời điểm bệnh nhân tăng cao, để đảm bảo hỗ trợ tốt chăm sóc người bệnh tại các khoa phòng và phục vụ người bệnh.

4.8 Đào tạo học viên: Phòng Điều dưỡng cùng các Khoa lâm sàng và Trung tâm đào tạo & CSSKCĐ tổ chức chương trình đào tạo một số đối tượng Điều dưỡng – Kỹ thuật viên: Điều dưỡng đa khoa, điều dưỡng chuyên khoa (Điều dưỡng Hồi sức – Cấp cứu, Điều dưỡng Can thiệp tim mạch, Điều dưỡng phụ nội soi); Điều dưỡng dụng cụ tại Phòng mổ - GMHS; Kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh 3-6 tháng đào tạo tại khoa Chẩn đoán hình ảnh; Thư ký y khoa.

4.9 Tổ chức thi, kiểm tra quy chế chuyên môn, quy chế chống nhiễm khuẩn, các kỹ năng giao tiếp... đối với các đối tượng học việc, trước khi ký hợp đồng làm việc tại Bệnh viện.

4.10 Đã thành lập được Chi hội Điều dưỡng trực thuộc Hội Điều dưỡng Hà Nội với 300 hội viên, đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội Điều dưỡng Việt Nam, Hội Điều dưỡng Hà Nội và các chi hội bạn. Tham gia hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc – Hội Điều dưỡng Việt Nam: 02 báo cáo (01 báo cáo nhận giải xuất sắc).

4.11 Phối hợp tổ chức 12 đề tài nghiên cứu khoa học của điều dưỡng và tham gia hoạt động Hợp tác quốc tế và Hội thảo quốc tế.

- Hợp tác với nhóm chuyên gia từ Trường Đại học San Francisco (Hoa Kỳ) nâng cao năng lực điều dưỡng giai đoạn 2017 – 2018, tập trung chuyên đề chăm sóc người bệnh thông tiểu.

- Phối hợp với Dự án Tăng cường nguồn nhân lực cho Điều dưỡng VN và Trường Đại học Công nghệ Queensland (QUT) - Úc tổ chức các Lớp đào tạo giảng viên hướng dẫn lâm sàng.

Hoạt động khác

- Tổ chức thi Điều dưỡng giỏi. 

5. Thành tích, khen thưởng của đơn vị

- Là tập thể đạt thành tích “Tập thể lao động xuất sắc” trong 4 năm từ 2009 - 2012.

- Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội về thành tích trong công tác năm học 2009-2010; 2011–2012; 2012–2013.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2010–2011; 2011–2012; 2012–2013; 2015-2016.

- Bằng khen của Hội Điều dưỡng Việt Nam cho Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển Hội Điều dưỡng giai đoạn 2010-2015.

6. Hướng phát triển

Tiếp tục thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ thường quy theo Quy chế của Bộ Y Tế ban hành và theo sự phân công của Ban Lãnh đạo Bệnh viện. Trọng tâm:

- Chuẩn hóa và cập nhật các quy trình kỹ thuật điều dưỡng và quy trình chăm sóc điều dưỡng trong Bệnh viện.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc - dịch vụ người bệnh và ghi chép điều dưỡng.

- Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học – thực hành chăm sóc dựa vào bằng chứng để cải tiến và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

- Khuyến khích các hình thức đào tạo Điều dưỡng – Kỹ thuật viên nhằm nâng cao chuyên môn và ngoại ngữ. Phấn đấu 100% Điều dưỡng trưởng – Kỹ thuật viên trưởng đạt trình độ đại học và sau đại học.

- Nâng cao trình độ chuyên môn – nghiệp vụ quản lý điều dưỡng.

- Thực hiện tốt kỹ năng giao tiếp và chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên.

Cải thiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa/phòng trong Bệnh viện.

Một số hình ảnh tập thể và hoạt động của Phòng Điều dưỡng