Hàng năm, theo chương trình đào tạo của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực tổ chức thường xuyên các buổi đào tạo cho toàn bộ đơn vị trong bệnh viện về cấp cứu phản vệ và cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Với mục tiêu tất cả nhân viên trong bệnh viện đều có thể xử trí ngay lập tức bệnh nhân bị phản vệ hoặc bệnh nhân ngừng tuần hoàn nội viện, các giảng viên là bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực đã trực tiếp giảng lý thuyết song song với hướng dẫn thực hành trên mô hình cho tất cả các khoa trong bệnh viện.
Các buổi giảng luôn được thực hiện rất nghiêm túc với sự tham gia đầy đủ của các nhân viên y tế trong bệnh viện.
Nếu tình trạng bệnh nhân phản vệ nặng hoặc ngừng tuần hoàn được xử trí kịp thời tại chỗ sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong cho người bệnh, giảm gánh nặng cho khoa Cấp cứu và các cơ sở y tế. Có thể thấy, hiệu quả của chương trình đào tạo đã được chứng minh ngay lập tức ngay sau bài giảng tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Bệnh nhân (nam, 67 tuổi) tiền sử chưa phát hiện dị ứng (ngay cả bệnh nhân đã từng uống Baryte chụp dạ dày) được bác sĩ chỉ định chụp CT chi dưới có tiêm thuốc cản quang để chẩn đoán thông động tĩnh mạch mu chân trái sau chấn thương.
Sau khi tiêm thuốc cản quang, hoàn thành chụp 2 phút, tại phòng theo dõi, bệnh nhân xuất hiện khó thở, tức ngực, buồn nôn, đỏ da toàn thân rồi mất ý thức, mất mạch cảnh.
Kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh vừa được đào tạo lại phát hiện ra tình trạng phản vệ nguy kịch của bệnh nhân, lập tức tiến hành ép tim ngay trên bàn chụp và tiêm Adrenalin theo phác đồ.
Kíp phản ứng nhanh của khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực có mặt, triển khai cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh.
Thật may mắn, sau 10 phút, bệnh nhân có mạch trở lại, tiếp tục được chuyển về phòng Hồi sức tích cực điều trị. Sau chưa đầy 24h từ khi ngừng tuần hoàn, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, dừng thuốc vận mạch, được rút ống nội khí quản.
Tỷ lệ bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện sống sót ở Việt Nam rất thấp do rất ít người chứng kiến tiến hành ép tim cho bệnh nhân vì không được hướng dẫn Hồi sinh tim phổi cơ bản. Kỹ năng cấp cứu cơ bản là tối cần thiết cho mọi người, đặc biệt là nhân viên y tế dù ở bất kỳ lĩnh vực hay chuyên khoa nào.
Hàng ngày, ở nước ta, đâu đó vẫn có rất nhiều trường hợp ngừng tuần hoàn trong viện, nhưng nhân viên tại chỗ không phản ứng đúng cách, bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời ngay tại chỗ… đã không cứu được người bệnh hoặc có qua được cũng để lại di chứng hết sức nặng nề… điều mà có thể nói thường gặp ở các tình huống cấp cứu trước viện (ngoại viện), vì ở nước ta, hệ thống cấp cứu trước viện thực sự chưa hoàn thiện.
Nhân viên y tế trong bệnh viện (không làm ở khoa Cấp cứu, HSTC hoặc GMHS hay TM) ít gặp các tình huống bất ngờ, ngay cả các nhân viên lễ tân, bảo vệ… trong bệnh viện cũng cần được đào tạo liên tục, nhắc lại hàng năm về sơ cứu người bệnh, phối hợp nhóm… để người bệnh không may bị phản vệ, ngừng tuần hoàn trong viện mà được xử trí như ngoại viện.